Nguồn: Đinh Luyện, Báo điện tử Lao động thủ đô, ngày 07/09/201915
(LĐTĐ) Đây là nội dung hướng đến của Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng chống sụt trượt bờ dốc” do Bộ môn Địa kỹ thuật- Khoa Công trình (Trường Đại học Giao thông Vận tải) phối hợp Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam và Công ty Cổ phần sản xuất Đầu tư Xây dựng Hưng Việt tổ chức ngày 6/9.
Sụt trượt bờ dốc hay sườn dốc những năm gần đây xảy ra trên các công trình giao thông ở vùng núi Việt Nam như: Quốc lộ 4D, 12, 279, 34… mà còn phổ biến trên các đường cao tốc mới xây dựng hay đang xây dựng như Nội Bài – Lào Cai, Thái Nguyên – Chợ Mới, Hạ Long – Vân Đồn, Bắc Giang – Lạng Sơn, La Sơn – Túy Loan… Đáng nói, sụt trượt đất đá đã gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản và cả tính mạng con người. Hiện tượng này không chỉ phụ thuộc vào địa hình và đặc điểm địa chất bờ dốc, mà còn bị chi phối nhiều bởi yếu tố ngoại cảnh khách quan.
Thực tế đã chứng minh, lớp phủ thực vật đóng vai trò quan trọng để điều tiết dòng nước trên mặt dốc, chống xói mòn đất đá trên mặt bờ dốc. Nói cách khác, việc che phủ thực vật hay trồng cỏ trên bề mặt bờ dốc không chỉ có vai trò tạo cảnh quan sinh thái và bảo vệ môi trường, mà còn còn góp phần chống xói và chống trượt cho bờ dốc nói chung.
Tại hội thảo, sau khi báo cáo “Tổng quan về các giải pháp công trình ổn định bờ dốc sử dụng hiện nay ở Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Đức Mạnh – Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật đã dẫn chứng nhiều ví dụ cụ thể về các giải pháp công trình ổn định bờ dốc đã và đang được sử dụng ở công trình tại Việt Nam.
Hơn hết PGS.TS. Nguyễn Đức Mạnh cho rằng, việc thay đổi tư duy thiết kế từ việc đào đắp đất đá quy mô lớn sang hướng tuân thủ các yếu tố địa hình, địa chất thủy văn tự nhiên – nghĩa là tuân thủ triệt để yếu tố cân bằng sinh thái tự nhiên là rất cần thiết, trong đó trồng cỏ phủ xanh trên bề mặt bờ dốc là một giải pháp đầu tiên.
PGS.TS. Nguyễn Đức Mạnh – Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật cho rằng, với vấn đề liên quan thì tuân thủ triệt để yếu tố cân bằng sinh thái tự nhiên là rất cần thiết, trong đó trồng cỏ phủ xanh trên bề mặt bờ dốc là một giải pháp đầu tiên. |
Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam sau khi giới thiệu công nghệ cũng như năng lực máy móc thiết bị và phương pháp thi công mà đơn vị đang thực hiện, đã khẳng định tính khả thi và sự phát triển rất tốt khi áp dụng công nghệ này để phủ xanh bờ dốc trong điều kiện địa chất ít thuận lợi.
Trong Hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng, về bảo vệ bờ dốc, thiết kế công trình giao thông, và địa kỹ thuật môi trường đã cùng phân tích và thảo luận sôi nổi về các giải pháp công trình ổn định bờ dốc sử dụng hiện nay ở Việt Nam, những điểm được, điểm còn tồn tại; Công nghệ bảo vệ mái dốc bằng phun hỗn hợp đất với hạt cỏ; Ổn định bờ dốc bằng giải pháp tường chắn đất có cốt và mái nghiêng ô Geocell kết hợp phủ xanh bề mặt bằng thảm thực vật; Vai trò lớp phủ thực vật với ổn định bề mặt bờ dốc.
Một công trình thi công bảo vệ mái dốc tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. |
Tất cả các vấn đề được đề cập và thảo luận đều xoay quanh và hướng tới thống nhất việc giảm thiểu can thiệp sâu vào các yếu tố tự nhiên – giảm thiểu đào đắp đất đá quy mô lớn khi xây dựng các công trình hạ tầng. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phủ xanh tất cả các bề mặt bờ dốc đào và đắp cho các công trình xây dựng trong tương lai, bởi đây không chỉ đơn giản là tạo cảnh quan sinh thái mà đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định chống xói lở cho các bờ dốc.